Khung cảnh hùng vĩ của mảnh đất cực Bắc Tổ quốc – Hà Giang mà mùa nào cũng đáng đi, đáng chiêm ngưỡng. Nơi mà những con đường chạy ngút lên trời xanh, nơi hình hài đất nước nổi lên như bản đồ, nơi ruộng bậc thang kỳ công lao động… Hà Giang là một điểm đến quá mỹ lệ đến mức không thể bỏ qua.
A. ĐI TỚI NHỮNG ĐÂU?
Hà Giang vẫn được biết đến với mùa hoa tam giác mạch hồng rực cao nguyên đá, nhưng phải ai đã đi mới biết – Hà Giang mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng đáng để chinh phục. Bởi lẽ, Hà Giang đâu chỉ có hoa tam giác mạch. Hà Giang còn có 10 hùng quan mà nổi bật trong đó là “tứ đại kỳ quan” sau đây: Cao nguyên đá Đồng Văn, Dinh thự họ Vương, Cột cờ Lũng Cú và Con đường Hạnh phúc.
Kỳ quan thứ nhất là , đã tạo nên khung cảnh đá xám, nơi người dân “sống trong đá, chết vùi trong đá” cực kỳ đặc biệt cho Hà Giang.
Hà Giang, mảnh đất xa xôi "chim bay hai lần gãy cánh" mới tới nơi,nổi bật với khung cảnh đá xám của Cao nguyên đá Đồng Văn
Hà Giang, mảnh đất xa xôi “chim bay hai lần gãy cánh” mới đến nơi, án ngữ nơi cực Bắc của Tổ quốc. Hà Giang cũng lại là một vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của Trái Đất, để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2010.
Kỳ quan thứ hai là viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá – Dinh thự họ Vương. Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Dinh họ Vương được ví như viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá,kỳ công xây dựng của vua Mèo xứ ấy một thời
Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1019 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương 150 tỷ đồng Việt Nam bây giờ). Mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng những dãy sa mộc vươn cao mạnh mẽ đã mọc lên một ngôi nhà hình chữ "Vương" sừng sững như in dấu giữa trời xanh.
Kỳ quan thứ ba là Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”, mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.
Ấn tượng Việt Nam với cái vẫy chào từ "Mỏm tột Bắc" Cột cờ Lũng Cú- "nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc"
Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
Kỳ quan thứ tư là Con đường Hạnh phúc – con đường của máu và hoa. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong "tứ đại đỉnh đèo" tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Con đường hạnh phúc.
Con đường Hạnh phúc là cầu nối mang lại ánh sáng cho rẻo cao, không chỉ nhuốm công sức mà cả máu và mạng sống của bao thanh niên xung phong một thời. Năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành Con đường Hạnh phúc Hà Giang - Đồng Văn.
Chỉ là một chút ví von ngô nghê của tác giả từ câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn Lý trường thành chưa phải là hảo hán) thì với cảnh quan hùng vĩ mang tầm đệ nhất hùng quan, những cung đường hiểm trở có một không hai như đèo Mã Pì Lèng thì “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (Chưa đến Pì Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy).
Đèo Mã Pì Lèng bên hẻm vực sông Nho Quế, vách núi xámcùng dòng sông xanh biếc tạo thành khung cảnh hy hữu thế gian
Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “Sống mũi ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.
Lẽ ra, đèo Mã Pì Lèng cũng có thể xếp vào hàng “tứ đại kỳ quan” của Hà Giang, tuy nhiên, rất tiếc là đèo đã bị “bê tông hóa”. Và dù khung cảnh xung quanh vẫn rất hùng vĩ, nhưng chính bản thân những mỏm đá lởm chởm, bản sắc của đèo đã không còn được như xưa.
Nhắc đến phố cổ, đâu chỉ có Phố cổ Hội An hay Hà Nội 36 phố phường mà còn có Phố cổ Đồng Văn.
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá.
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Những nấc thang vàng rực của ruộng bậc thang Hoàng Su Phì mùa lúa chín
Không ai biết đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì mất bao nhiêu lâu để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.
Từ cổng trời nhìn xuống, Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương, bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, cũng là nơi mà: “Chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…"
Người Mông ở Hà Giang từng nói: "Chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên..."
Hà Giang đẹp là thế mà cũng hiểm trở là thế!Lên Đồng Văn, qua Mã Pì Lèng, một lần nữa ta lại phát hiện ra một đỉnh mới, đó là cái đỉnh cao sống chung với thiên nhiên khắc nghiệt. Trên dải đất chữ S này của chúng ta, sống hòa được với thiên nhiên khắc nghiệt, có lẽ người Mông vẫn là đỉnh cao số một!
Sủng Là được mệnh danh là "nơi đá nở hoa"và thảm hoa tam giác mạch li ti hồng trở thành điểm đặc sắc của du lịch Hà Giang
Ai đó bảo rằng, Sủng Là là nơi đá phải nở hoa. Nghe có vẻ cường điệu nhưng hoàn toàn có thật. Vùng cao nguyên đá Hà Giang, nhất là khu vực Sủng Là, chỉ toàn đá tai mèo. Đá nhọn hoắt, lởm chởm như những mũi giáo chĩa ngược lên trời xanh cao vút. Ngày ngày, những người dân bản địa gùi những gùi đất nặng nhọc để lấp vào những hốc đá tai mèo. Chỉ cần một vài nắm đất, họ có thể trồng được một cây bắp. Đến mùa xuân, họ lại trồng hoa tam giác mạch vào hốc đá đó. Để rồi không lâu sau những hốc đá ấy lại ra hoa.
Thung lũng đá xám được tô điểm với hoa cải vàng ở Hà Giang
Mùa xuân đến, khắp nơi từ Quản Bạ (Quyết Tiến, Minh Tân), Yên Minh (Lao Và Chải, Na Khê, Bạch Đích), Đồng Văn (Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Sà Phìn, Thài Phìn Tủng), Mèo Vạc (Sủng Trà, Sủng Trái, Lũng Phìn), nơi nơi là đào, mận, cải khoe sắc cùng với nền đá đen của cao nguyên đá, với những nếp nhà trình tường.
Gian hàng bán trang phục truyền thống tại phiên chợ ngày chủ nhật ở Hà Giang
Cứ ngày 27/3 âm lịch hàng năm, từ khắp các nẻo đường chênh vênh trên núi cao, những người dân trong trang phục của dân tộc mình đã ríu ran, rộn ràng xuống chợ, để tham gia Chợ tình Khâu Vai, mỗi năm chỉ có một lần.
Mùa nước đổ thì đa phần ruộng Tây Bắc nước ta đổ ải vào tầm tháng 5 - 6, ít nơi tháng 7, một vài thửa có thể tích nước từ tháng 4; nhưng đẹp nhất vẫn là lúc đang cấy dở, tầm tháng 5 - 6.
Mùa lúa chín thì thường bắt đầu vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 dương lịch. Khi những thửa ruộng bậc thang ngả sang vàng rực cùng mùa lúa, là lúc khung cảnh kỳ vĩ của núi rừng thêm một lần đổi mới.
Tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của cao nguyên đá Hà Giang với những bông hoa nhỏ li ti phơn phớt tím hồng hút hồn những người yêu hoa và mê chụp ảnh.
Hà Giang mùa hoa tam giác mạch đã trở thành một thương hiệu cho điểm đến hùng vỹ mỹ lệ này
Mảnh đất Hà Giang với màu xám của đá núi và màu hồng của hoa tam giác mạch. Màu xám sắc lạnh của lý trí và màu hồng kỳ diệu của giấc mơ. Sự đối lập kịch liệt lại hài hòa tuyệt đối trong một tổng thể... tạo nên vẻ đẹp vô song của Hà Giang.
Trên địa bàn huyện Mèo Vạc, thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, nhiều địa điểm có tuyết rơi trắng trời vào cuối tháng 12, du khách hiếu kỳ từ nhiều nơi đã may mắn được thưởng thức khung cảnh có một không hai trong năm.
Lạp sườn - Đặc sản Hà Giang.
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn - Hà Giang là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang. Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng của mình khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.
Một lần đến Mèo Vạc, bạn hãy thử nếm bánh thắng dền, thưởng thức liền 2 - 3 viên bánh nhỏ xinh một lúc, ngậm trong miệng và cảm nhận vị dẻo dai của bột nếp hòa quyện cùng vị cay se se của gừng, dậy mùi thơm của vừng lạc.
Cơm lam Bắc Mê là thức quà dân dã đồng thời là món ăn phổ biến của nhiều đồng bào dân tộc ở Tây Bắc. Cơm Lam được làm từ gạo nếp nương, rồi nướng trong một ống tre nứa, dài. Vị cơm lam thơm và ngọt, ăn dẻo và bùi bùi, du khách đến Hà Giang không chỉ thưởng thức mà còn mua về làm quà rất nhiều.
Hồng không hạt được trồng nhiều ở vùng Quản Bạ Hà Giang nên người dân nơi đây vẫn gọi là hồng Quản Bạ. Giống hồng này thường có vào khoảng mùa thu đông, từ tháng 8 đến tháng 11 hàng năm, một thức quà dân dã ở Hà Giang.
Từ lâu, cam sành đã trở thành thức quà dân dã ở Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua mỗi khi tới đây. Loại cam sành ở Hà Giang có vị thơm, vị mát và có chứa nhiều lượng vitamin cần thiết cho cơ thể. Cam được thu hoạch vào khoảng tháng 11, 12.
Lợn cắp nách là đặc sản nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Với đặc điểm thịt chắc, ăn nạc, thơm và ngon mà món đặc sản này đã nhận được sự yêu thích của khách du lịch tới đây. Đây cũng được xem là một nét độc đáo trong cách chăn nuôi của người dân tộc trên Hà Giang.
Chè Shan Tuyết được trồng ở khắp các huyện của Hà Giang, nhiều nơi có cây cổ thụ cao tầm 300 – 1000m. Ai đã từng thưởng thức chè Shan Tuyết Hà Giang thì chắc hẳn khó có thể quên được hương vị thơm ngon của chúng. Loại chè này sạch, khi chăm sóc, người dân sử dụng biện pháp tự nhiên nên không hề có những hóa chất độc hại. Và chè Shan tuyết được thu hoạch 4 vụ trong năm nên tới Hà Giang, du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.
Mật ong bạc hà là đặc sản dân dã quý hiếm và được nhiều người ưa chuộng nhất khi đến Hà Giang. Mật ong bạc hà có vị ngọt thanh, dịu nhẹ và thoảng mùi hương hoa bạc hà có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe của con người. Là bài thuốc dân dã có công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, làm mịn và hồng da.
Gà xương đen không tanh do lượng sắt ít và chúng thường được chế biến chung cùng những loại thuốc Bắc, nấm và sâm, vừa để ăn trong bữa ăn mỗi ngày vừa làm thuốc luôn. Với đặc sản gà xương đen như một bài thuốc quý có khả năng chữa trị nhiều bệnh thì món ăn này sẽ ngày càng được yêu thích hơn.
Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Bộ, Việt Nam. Năm 2018, Hà Giang là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 48 về số dân, xếp thứ 58 về Tổng sản phẩm trên địa bàn và là tỉnh nghèo trong số 6 tỉnh nghèo nhất cả nước, có huyện Xín Mần thuộc diện huyện nghèo trong 6 huyện nghèo nhất cả nước, xếp thứ 63 về GRDP bình ...