Cần Thơ là một đô thị lớn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết hợp sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm, vườn trái cây trĩu quả và kiến trúc độc đáo của nhà cổ. Tất cả tạo nên vẻ đẹp sông nước đặc biệt không lẫn vào đâu, khiến người ta truyền tai nhau rằng: “Cần Thơ gạo trắng nước trong/ Ai đi tới đó lòng không muốn về”.
Chiều trên bến Ninh Kiều
Khí hậu ở Cần Thơ là khí hậu ôn hòa, thời tiết dễ chịu và nhiệt độ không vượt quá 30 độ C ngay cả khi tiết trời nóng nhất. Do vậy, du khách yêu mến Cần Thơ nói riêng và miền Tây nói chung, có thể ghé thăm thành phố này vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Thời gian tuyệt vời nhất mà Cần Thơ để lại trong lòng du khách có lẽ là vào tháng 12 đến cận tết nguyên đán. Vào thời gian này nếu ghé thăm trung tâm Cần Thơ, Bến Ninh Kiều và chợ nổi Cái Răng, du khách sẽ được trải nghiệm một Cần Thơ rất sôi động, tấp nập và hân hoan trong bầu khí tươi vui, cùng cảnh quan rực rỡ. Không ké thời điểm cận tết nguyên đán, mùa hè đến Cần Thơ cũng là một lựa chọn khá tuyệt vời khi Cần Thơ vào mùa trái cây.
Chợ nổi Cái Răng
Chợ chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng. Sáng sáng, hàng trăm chếc thuyền lớn bé đậu san sát. Bán sản vật gì người ta treo sản vật đó (treo bẹo) lên cây sào (cây bẹo) trên mũi thuyền. Vậy là không cần phải rao hàng như các chợ trên đất liền (thực tế cũng không thể rao khi tiếng sóng, tiếng máy nổ liên tục, và khó có thể áp mạn với xuồng khác để xem bán hàng gì).
Vào mùa xuân, đi bằng thuyền vào vườn cò, cảm giác bồng bềnh trên sóng nước cùng hình ảnh hoa bằng lăng nở tím dọc bên bờ sông in bóng xuống mặt nước làm du khách ấn tượng. Từ xa đã thấy thấp thoáng vườn cò rộng mênh mông. Người ta nói vườn cò Bằng Lăng là sân chim lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long quả không sai. Ông Nguyễn Ngọc Thuyền, chủ nhân vườn cò chia sẻ ở đây có trên hàng chục nghìn con chim, cò, cồng cộc sống chung với nhau. Nhỏ là các loài: cò ráng hay còn gọi là cò lửa, lông có mầu đỏ như ráng chiều. Đặc biệt, một số loài chim quý hiếm đang bị săn như bìm bịp cũng hội tụ về đây.
Chợ đêm Tây Đô
Chợ Tây Đô là trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ đồng thời cũng là điểm vui chơi giải trí, du lịch hấp dẫn. Chợ Tây Ðô truớc đây là một chợ đầu mối trung chuyển các mặt hàng với nhiều địa phương trong và ngoài nước. Bên cạnh chức năng trao đổi hàng hoá, tại đây còn có các dịch vụ ẩm thực, giải trí… Do quy mô hoạt động và tầm quan trọng đối với khu vực nên chợ Tây Đô là một trung tâm buôn bán lớn của các tỉnh Nam Bộ
Vườn Cần Thơ
Đến Tây Đô - Cần Thơ, khách tham quan thường xuôi về miệt vườn Phong Điền, Bình Thủy để được tận hưởng một bầu không khí êm ả, trong lành ở nơi thôn dã, thong thả dạo chơi trong những khu vườn rộng lớn râm mát, cây trái trĩu cành, tỏa ra hương thơm quyến rũ. Trái cây ở đây cũng rất đa dạng và phong phú, từ cam, quýt, xoài, sa-bô cho đến vú sữa, chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu, bưởi… Khách tha hồ thưởng thức. Đến vùng này, ngoài việc ăn trái cây còn có nhiều món đặc sản ruộng đồng, sông nước như rùa, rắn, cá, tôm… lúc nào cũng có và khách mặc sức nhâm nhi thoải mái.
Chùa Ông
Chùa Ông nổi bật giữa dãy phố Hai Bà Trưng với kiến trúc, màu sắc rực rỡ đặc trưng của dân tộc Hoa. Chùa được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí... trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan. Những chiếc lồng đèn được treo hai bên cửa. Hai cột đá chính của cổng tam quan được trang trí thêm đôi lân; mái ngói âm dương với các gờ bó ngói ống men xanh thẫm; bờ nóc trang trí những hình lưỡng long chầu nguyệt, cá hóa rồng, phụng hoàng... bằng gốm sứ đủ màu. Hai đầu đao còn có tượng người cầm mặt trăng mặt trời tượng trưng cho tư duy “nhị nguyên” của triết học phương Đông.
Bến Ninh Kiều
Bến Ninh Kiều, nơi nhìn ra dòng Hậu Giang đỏ nặng phù sa, nằm ở vị trí đắc địa, giao thoa hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ. Du khách một lần đến với thành phố trung tâm miền Tây này dù bận bịu vẫn không bỏ qua cơ hội tìm đến đây để ngắm nhịp sống trên ghe xuồng sôi động, những chiếc tàu tấp nập chuyên chở trái ngon vật lạ của vùng đất phía Nam tổ quốc.
Nhà cổ vườn lan Bình Thủy
Ngôi nhà cổ năm gian hai mái còn có một tên gọi khác là vườn lan Bình Thủy, tọa lạc tại địa điểm 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy của gia đình họ Dương, được xây từ năm 1870 theo kiến trúc Pháp, vẫn còn khá nguyên vẹn, do hậu duệ đời thứ năm của ngôi nhà là ông Dương Văn Ngôn có thú chơi hoa kiểng, xương rồng. Vào thập niên 1960, ông đã sưu tầm được nhiều giống lan quý rồi bắt đầu tổ chức các hội chơi lan, kết hợp mở tuyến du lịch đến nhà vào những năm 1980 để những người cùng sở thích có dịp trao đổi kinh nghiệm, cùng thưởng thức thú chơi hoa và làm thơ.
Khu du lịch Mỹ Khánh
Theo Lộ vòng cung để vào Làng du lịch Mỹ Khánh, du khách luôn cảm nhận những làn gió nhẹ mát trong từ những vườn cây xanh mát dọc lối đi thổi qua. Trong diện tích hơn 50.000m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách. Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4, 2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đên đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,..Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống ,cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.
Cầu Cần Thơ
Cầu Cần Thơ “gác” vô cồn Ấu nên nhìn xa có những đoạn võng nhẹ nhàng, ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan như dệt trên nền trời xanh. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích bệ trụ nên mang nét đẹp thanh thoát. Cảng Cái Cui, nơi đón nhận và vận chuyển toàn bộ dầm hộp thép cho ngày hợp long nằm kề sông lớn, ngay trước mặt. Xóm Chài, cồn Ấu xanh rì cây trái, kênh rạch quấn quýt len lỏi bên những hầm cá vuông vức liền nhau, ghe thuyền vẫn ngược xuôi tấp nập nơi ngã ba sông.
Chùa Nam Nhã
Chùa Nam Nhã lúc được thành lập có tên là Nam Nhã Đường. Đó là một tiệm thuốc bắc do học trò của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa là ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng vừa là cơ sở kinh doanh vừa là nơi hỗ trợ tài lực cho phong trào yêu nước của các sĩ phu trong phong trào Đông du. Sau này được đồi tên là Chùa Minh Sư theo tên của một vị sư hay còn gọi là Chùa Nam Nhã. Ngoài là một nơi thờ cúng tín ngưỡng nhưng còn là nơi tập hợp, nuôi dưỡng phong trào yêu nước của các sĩ phu.
Cần Thơ có rất nhiều quán ăn ngon và rẻ, buổi tối bạn có thể ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông hậu rất thú vị.
– Cá sông ở Cần Thơ to, thịt chắc, lại rẻ.
- Bánh cống Cần Thơ: Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên dòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.
- Bánh xèo: Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt… Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.
- Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức.
- Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ không thể không thưởng thức món ốc nướng tiêu. Ốc được luộc sơ rồi cho lên nướng, vừa nướng vừa cho nước mắm, tiêu, tỏi vào trong cho đến khi nước bên trong hơi cạn xuống thì dọn ra là ăn.
– Bún tôm khô – Cái Răng: Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích.
Địa chỉ: Chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.
– Chuột nướng chao: nghe thì ghê nhưng lại là món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở miền sông nước này. Chuột nướng chao là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp… để thưởng thức món ăn dân dã ngon, lạ và giá cả cũng rất bình dân.
– Để thưởng thức những món trên, có thể ghé bất kỳ nhà hàng nào ở Cần Thơ. Ngoài ra còn có một số con đường gắn với những món ăn đặc trưng như:
+ Lẩu mắm – quán Dạ Lý trên đường 3/2. Đây là quán mở khá lấu và có thâm niên trong việc nấu lẩu mắm. Nhiều người còn cho rằng: “Đến Cần Thơ mà chưa ăn lẩu mắm Dạ Lý coi như là chưa đến Cần Thơ”.
+ Đường Lý Tự Trọng: ở hẻm 1 có quán Lẩu Vịt Nấu Chao rất ngon. Nếu muốn ăn Phở thì bạn đến quán OANH cũng trên đường Lý Tự Trọng
+ Đường Lê Lai ( ngay công viên Lưu hữu Phước, bên tay phải, vào 20 mét là thấy), nổi tiếng về Bánh Bèo, bánh cuốn, bánh tăm bì….. nơi đây rất có uy đó, phải lại sớm nếu không thì không có chổ ngồi hoặc hết hàng.
+ Đường Lê Lợi, nổi tiếng về ” rau má Đâu” tức là rau má xay với đậu xanh, rất ngon; hoặc hủ tiếu “bèo” sau lưng hai quán trên (chỉ bán buổi tối).
+Nếu các bạn nữ thì buổi tối còn có thể vào trong bảo tàng quân khu 9, nằm ngay trên đại lộ Hòa Bình (đối diện K/S Ninh Kiều 2) để thưởng thức món gỏi khô bò và uống sữa đậu nành.
+ Món ” tàu hủ đá” và bánh bột chiên buổi tối bán trong chùa Khmer.
+ Đường 30 tháng 4: mỗi khi đêm xuống có bán rất nhiều thức ăn hủ tiếu, bún bò Huế, chè, hột vịt lộn… Nhưng món ăn đại diện cho con đường này là cháo trắng hột vịt muối hay ăn với cá kho hoặc ăn cả với 2 thứ tùy theo khẩu vị của bạn.